Lợi thế của nhà đầu tư cá nhân khi đầu tư chứng khoán?

Lợi thế của nhà đầu tư cá nhân khi đầu tư chứng khoán?

Nhà đầu tư cá nhân có lợi thế gì so với các nhà đầu tư khác, kể cả nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán. Bạn hãy cùng Khanh trao đổi về vấn đề này nhé!

Nghe câu hỏi có vẻ nghịch lý. F0 là cách gọi những người mới tham gia thị trường cổ phiếu khoảng hơn 1 năm, sau khi đại dịch Covit bùng phát mạnh. Thực tế phần lớn F0 sẽ thua, đặc biệt là trong giai đoạn hơn nửa năm gần đây, năm 2022. Khi qua cái giai đoạn mà khi bạn cứ mua cổ phiếu nào cũng tăng giá. Nhắm mắt mua con gì cũng thắng và bạn nghĩ mình là người tài giỏi.

Nhưng không có gì là mãi mãi.

Nhà đầu tư cá nhân là gì? Liệu có cách để F0, người mới tham gia vào lĩnh vực nào để chiến thắng không? Câu trả lời: Hoàn toàn có thể.

Nhà đầu tư cá nhân là gì?

Nhà đầu tư cá nhân là người không thuộc bất kỳ tổ chức tài chính chuyên nghiệp nào. Họ đầu tư bằng tiền cá nhân của mình. Có thể đó là tiền nhàn rỗi. Hoặc tiền nằm trong kế hoạch đầu tư cá nhân. Cũng có thể là tiền đi vay. Với mục tiêu là có lợi nhuận!

Họ có phải là F0 không? Chắc chắn là họ. Ngoài F0 thì sao. Còn có Fn.

Hãy phân biệt tiếp về các nhà đầu tư cá nhân.

Nếu F0 là người mới tham gia vào thị trường chứng khoán. Ngay F0 có những người chưa hiểu gì về thị trường này. Họ là những nhà đầu tư không chuyên.

Còn nhà đầu tư cá nhân chuyên thì sao? Có thể họ là F0 do mới tham gia. Cũng có thể là Fn nếu đã tham gia hơn một chu kỳ lên xuống của thị trường.

Nhà đầu tư cá nhân chuyên thì họ có tiền, đặc biệt là họ có kiến thức và kinh nghiệm về đầu tư trước đó. Có thể không phải ở thị trường chứng khoán.

Nhà đầu tư cá nhân chắc là bạn rồi!

Tiếp theo: đối thủ của nhà đầu tư cá nhân là ai?

loi-the-cua-nha-dau-tu-ca-nhan
Lợi thế của nhà đầu tư cá nhân

Câu hỏi đầu tiên: ngoài kia đầy những đối thủ của bạn (vui lòng đọc lại bài viết “đối thủ của bạn là ai?”). Với quá nhiều tay chuyên nghiệp như thế liệu bạn có thắng nổi không?

Thứ nhất bạn phải biết họ có lợi thế gì? Họ có đủ cả 3 điểm lợi thế: hệ thống phân tích chuyên nghiệp? Họ có tiền vốn lớn? Quản trị rủi ro của họ tốt. Còn tâm lý thì không bao giờ là vấn đề, vì họ vận hành dựa vào hệ thống chứ không phụ thuộc vào bất kỳ một cá nhân nào cả.

Ví dụ ngân hàng đi cho dễ. Ngân hàng là một tổ chức buôn tiền. Buôn tiền nó cũng gần giống như buôn chứng khoán. Đều là buôn những hàng hóa còn gọi là tài sản tài chính.

Khi bạn đi vay tiền mua nhà. Đầu tiên bạn tiếp xúc với khối kinh doanh: có thể là chuyên viên quan hệ khách hàng, có khi thậm chí là giám đốc của một phòng giao dịch. Sau đó, mấy vị này sẽ hỏi bạn nhiều thông tin: thu nhập cá nhân của bạn bao nhiêu hàng tháng, có nguồn thu nhập nào khác không; có vay nợ ở chỗ khác không; còn có tài sản khác có thể đem cầm cố cho khoản vay này không…. Và nhiều thông tin khác nữa.

Số tiền nhỏ thì bạn có thể chỉ được duyệt ngay. Vì họ có quyền quyết định cho vay luôn sau khi phân tích và đánh giá bạn có khả năng trả nợ. Như vậy, họ có bộ phận kinh doanh riêng chuyên với nhiệm vụ câu khách; và bộ phận phân tích, đánh giá riêng xem có cho vay được hay không?

Bạn tưởng tượng bạn là đại gia đi. Số tiền vay của bạn lớn. Bạn phải lên một cấp cao hơn nữa để duyệt. Có thể bị hỏi thêm. Quản lý cao hơn mới quyết được. Tiền nhiều nữa thì phải thu xếp nguồn vốn. Thu xếp nguồn vốn là khối quản trị tiền.

Nếu bạn rành hơn một chút về hoạt động ngân hàng: khối kinh doanh- nhiệm vụ là câu khách, câu xong rồi thì giữ bằng các kỹ thuật bài bản; họ có khối thẩm định riêng (phân tích đánh giá khả năng trả nợ- quản trị rủi ro tín dụng), khối quản trị nguồn vốn và kinh doanh tiền (để quản trị rủi ro nguồn vốn) đặt tại Hội sở chính của ngân hàng. Và không phải quản trị tâm lý cá nhân vì hoạt hoạt động dựa trên hệ thống theo quy định.  Họ có tầng tầng lớp lớp kiểm soát.

Vậy bạn có biết lợi thế của nhà đầu tư cá nhân có thể chiến thắng trên thị trường chứng khoán không?

Thắng trong chứng khoán thường được hiểu dưới khía cạnh: khi có lãi phải vượt chỉ số thị trường chung; còn lỗ thì thấp hơn thị trường chung.

Nếu bạn là người đầu tư thì bạn cũng chả quan tâm đến cả cái tiêu chí tùm lum ấy. Vấn đề là bạn sẽ có thể kiếm lợi nhuận được bao nhiêu % trong 1 phi vụ đầu tư (từ 6 tháng – hơn 1 năm).

Câu trả lời đơn giản là bạn phải có lợi thế gì so với họ?

Thứ nhất là tiền bạn ít.

Bạn có thể vào và ra tùy lúc nào bạn muốn. các tổ chức muốn mua hoặc bán hiếm khi họ tung ra 1 lệnh lớn để thực hiện. Vì nó ảnh hưởng đến giá cổ phiếu ngay lập tức. Bạn thì ít tiền. Bạn vào hay ra thì cũng chả ảnh hưởng đến thị trường. Lợi thế của bạn là cắt lỗ cực nhanh, thoát hàng nhanh. Nhưng đáng tiếc là lợi thế này thường bị bỏ qua bởi tâm lý gồng lỗ.

Thứ hai là bạn không bị sức ép phải mua bán liên tục.

Các tổ chức thường phải mua bán liên tục. Họ áp đặt bởi những quy định do ban điều hành đặt ra. Bởi KPI. Và mục tiêu của họ là lợi nhuận tháng sau phải cao hơn tháng trước, quý sau phải cao hơn quý trước.

Thế nên trong giao dịch ngắn hạn nếu bạn đấu với họ thì  bạn thường xuyên sẽ thua. Vì bạn bị thiệt ở cả 3 điểm lợi thế mà họ có như nói ở trên: về phân tích, về quản trị vốn và về tâm lý. Chỉ có một số ít cá nhân giao dịch chuyên nghiệp mới có khả năng kiếm được tiền trong ngắn hạn (đâu đó vào khoảng 5% những người giao dịch ngắn hạn là thắng cuộc.).

Bạn chỉ có tiền trong một xu hướng tăng dài suốt từ tháng 3/2020 đến khoảng cuối năm 2021.

Nhưng mấu chốt của đầu tư chứng khoán ở đây là gì?

Tôi nhấn mạnh từ “đầu tư”.

Thường bạn theo lời khuyên của môi giới hay từ bạn bè bạn. Nhưng những lời khuyên ấy chưa bao giờ đầy đủ. Và bạn chưa bao giờ hiểu rõ ngọn ngành. Hiểu rõ là một mấu chốt để giảm thiểu rủi ro.

Ví dụ như khi bạn lấy vợ hoặc chồng. Rõ ràng nói gì thì nói đây coi như 1 phi vụ đầu tư dài hạn. Nếu bạn hời hợt, biết nhau qua loa trong thời gian quá ngắn mà không hiểu về nhau mà đã chốt. Xác suất chia tay là cực cao.

Một điểm nữa là bạn phải có cảm hứng. Bạn chả yêu thì vẫn nhắm mắt lấy người ta hay sao? Hay bạn nhìn thấy người ta có quá nhiều tiền bạn nhào vào. Bạn cho rằng chốt được vụ này thì cuộc đời bạn sẽ êm ấm, chả phải lo nghĩ.

Nhưng bạn đã nhầm. Chưa chắc tiền đã làm cho bạn yên ổn. Đơn giản là những thứ mà không phải bạn làm ra thì không có gì là mãi mãi. Tiền chưa chắc đã thuộc về bạn trong dài hạn. Cái này bạn chịu khó tự nghiệm nhé.

Như vậy đầu tư cũng đòi hỏi bạn phải có hiểu biết về chính mã cổ phiếu mà bạn đang nắm giữ. Và bạn phải có niềm cảm hứng tìm hiểu về nó. Cảm hứng là để tìm hiểu, chứ không phải để mua. Xét về khía cạnh nào đó thì nó y hệt như phị vụ hôn nhân của bạn.

Cụ thể hơn:

Nếu bạn đang làm thuê cho một công ty, bạn có một lợi thế lớn. Bất kỳ bạn ở vị trí nào: kinh doanh, kế toán nhân sự hay bộ phận nào đó. Bạn có cái nhìn rõ nhất về công ty bạn đang làm.

Và câu hỏi tiếp theo là bạn có yêu công việc và công ty bạn đang làm không. Nếu bạn chán ghét chính cái công ty mình làm và công việc mình đang làm thì điều đó cực kỳ tai hại. Nó làm cho bạn bức bối và bạn cũng chả có cảm hứng để mà tìm hiểu đầu tư. Tôi sẽ có bài viết về giải pháp xử lý vấn đề này trên facebook cá nhân.

Và bạn cần thêm một chút kiến thức cơ bản nữa. Rồi trải nghiệm kiểm chứng từ từ với số tiền nhỏ.

Và cũng đừng giao dịch ngắn hạn quá  nhiều với số tiền lớn so với tổng danh mục đầu tư của bạn (Vui lòng xem lại bài “triết lý đầu tư của tôi”)

Như vậy lợi thế của bạn chính là những kinh nghiệm trải nghiệm từ công việc bạn đang làm. Bạn biết nhiều về các mã cổ phiếu liên quan đến lĩnh vực của bạn. Thậm chí bạn còn hiểu sâu sắc hơn những tay chuyên nghiệp. Từ đó xác định được đâu là cổ phiếu tốt.

Cổ phiếu tốt chưa đủ. Bạn cần xác định khi nào mua và lúc nào bạn. Một lần nữa bạn hoàn toàn có thể ước lượng được giá trị của doanh nghiệp bằng vài phương pháp định giá đơn giản.

Nếu bạn biết một chút phân tích kỹ thuật nữa, chỉ cần ở mức cơ bản thôi thì đã là điều cực kỳ lợi thế. Từ đó bạn mở rộng thêm vòng tròn hiểu biết của mình. Bạn vẫn giữ được công việc hiện tại và vẫn đầu tư được chứng khoán. Cho đến khi đủ tiền bạn hoàn toàn có thể từ bỏ công việc để thành người tự do. Đó là mục tiêu dài hạn chứ không phải ăn xổi.

Có bất cứ ý kiến gì bạn hãy để lại bình luận dưới bài viết này hoặc trao đổi với Khanh qua Facebook nhé.

Give a Comment