Gọi là báo cáo lãi lỗ cho dễ hiểu, nhưng tên chính thống và đầy đủ của nó là báo cáo kết quả kinh doanh- một báo cáo mà mọi người thường cho là quan trọng nhất trong bốn báo cáo tài chính.
Tạm thời bạn cứ cho là quan trọng đi, nhưng quan trọng nhất hay không thì từ từ bạn sẽ có nhận định của mình dần dần sau khi tiếp cận đầy đủ các báo cáo.

Vậy báo cáo lãi lỗ chính là báo cáo kết quả kinh doanh.
Sếp bạn, cũng như ông chủ của bạn lúc nào cũng nhăm nhăm vào lãi lỗ. Nếu bạn làm ở một công ty bình thường thì hàng tháng thể nào sếp cũng muốn biết lãi của công ty là bao nhiêu. Bạn thử đặt địa vị mình là cổ đông hay người góp vốn thì câu hỏi đó cũng thật dễ hiểu.
Như bài trước (một góc nhìn chuyên sâu về chỉ số EPS) có nói, bạn đọc mấy điểm tôi đã lưu ý.
Bạn chỉ đọc về các chỉ số tài chính bạn thấy cực kỳ rối rắm nếu như bạn nhìn vào con số tuyệt đối: doanh thu và lợi nhuận; hay từng mục riêng lẻ trên báo cáo kết quả kinh doanh. Và để dễ nhìn hơn, người ta tạm gọi là các tỷ lệ tài chính, nghĩa là so sánh cái này với cái kia. So sánh tương đối làm cho bạn có cái nhìn dễ hơn.
Các chỉ số hay các tỷ lệ tài chính thường vẫn cho bạn một cái nhìn tổng quan.
Và ở mỗi công ty thì nên chọn tỷ số nào cho phù hợp.
Tốt nhất là ta hãy thử nhìn xem những số liệu nào được tính toán có sẵn cung cấp ở một số trang thông tin tài chính: một là để sử dụng luôn, hai là xem chỉ số nào là quan trọng để bạn đỡ mất thời gian hơn.
Có mấy chỉ số: lợi nhuận ròng/ doanh thu: phản ánh tổng thể về lợi nhuận so với doanh thu; lợi nhuận từ bán hàng và cung cấp dịch vụ so với doanh thu. Bạn cứ lấy cái này chia cho cái kia sẽ ra một đống chỉ số. Tuy nhiên con số vẫn chỉ là vô hồn nếu bạn không hiểu rõ ý nghĩa của nó, cũng như bản chất loại hình công ty mà bạn đang xem xét là gì. Bạn vẫn hời hợt như là một người đứng ngoài cuộc.
Bây giờ bạn đặt câu hỏi : lợi nhuận biên lợi nhuận của công ty là gì? Đây là một khái niệm tôi nhớ là cách đây lâu lắm tôi có hỏi một anh chủ doanh nghiệp nhỏ. Anh ấy thắc mắc và chưa hiểu rõ nó là gì. Bạn thấy đấy. Mấy ông chủ này còn chưa hiểu khái niệm, chứ nói gì đến bạn. Mà khi bạn biết khái niệm này thì đó là cả một lợi thế.

Biên lợi nhuận hoạt động
Biên lợi nhuận hoạt động được tính bằng cách chia thu nhập hoạt động từ hoạt động kinh doanh (chỉ tiêu 30) cho doanh thu thuần.
Biên lợi nhuận ròng
Biên lợi nhuận ròng so sánh thu nhập ròng của công ty với doanh thu thuần. Tỷ lệ này được tính bằng cách chia lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiêp (chỉ tiêu 60) cho doanh thu thuần.
Bây giờ, bạn hãy đặt địa vị mình vào là một nhà đầu tư để tư duy: bạn so sánh lợi nhuận hoạt động năm nay so với năm trước.
Bạn cảm nhận tỷ lệ hay mức biên này là cao hay thấp. Cao hay thấp bạn lại so sánh thêm với công ty nào cùng ngành (hoặc thậm chí bạn so với công ty thuộc ngành chả liên quan- để tham khảo)
Bạn sẽ có một cái nhìn khác: nếu biên lợi nhuận càng cao nghĩ là lợi nhuận càng cải thiện/ thậm chí bạn tách biên lợi nhuận của riêng hoạt động sản xuất- chỉ tiêu này nếu là 1 con số vượt trội so với đối thủ cùng ngành thì đến lúc bạn phải cần tìm hiểu thêm lý do tại sao nó lại lớn hơn: có thể là do bạn có dây chuyền công nghệ hơn đứt công ty đối thủ.
Và điều này cực dễ nếu bạn đang hoặc đã làm trong ngành đó. Đây là một điểm mà mấy tay chuyên nghiệp không thể cảm nhận bằng bạn. Và đó chính là lợi thế của bạn như tôi đã nói trước đây. Và bạn cảm thấy chỉ số đó có ý nghĩa chứ không vô hồn, chán ngắt như khi mình học trên sách vở hay đọc ở đâu đó loáng thoáng trên mạng.
Như vậy, bạn chỉ cần 2 tỷ số tài chính là biên lợi nhuận hoạt động và biên lợi nhuận ròng thì hoàn toàn có thể so sánh được các công ty với nhau, hoặc giữa các năm của doanh nghiệp mình đang quan sát. Và thêm biên lợi nhuận gộp nữa. Nếu thực sự đáng quan tâm bạn sẽ đọc báo cáo thứ 4: thuyết minh báo cáo tài chính để làm rõ những khoản mục nằm trên báo cáo kết quả kinh doanh để hiểu sâu sắc hơn về lợi nhuận và nguồn gốc của nó.
Xem thêm: chuỗi bài về phân tích cơ bản
Hãy để lại bình luận phía dưới bài viết hoặc trao đổi với Khanh qua Facebook nếu bạn có ý kiến nhé!