Bạn chọn chiến lược đầu tư chứng khoán nào? Liệu bạn đã từng bao giờ đặt câu hỏi này chưa?
Đầu tư hay giao dịch cổ phiếu có cái quái gì mà liên quan đến câu hỏi bạn là ai hay bạn từ đâu tới không? Bạn từ một vũ trụ bao la, và một ngày nào đó, bố mẹ bạn gặp nhau và thế là có bạn.
Lúc mà bạn đặt câu hỏi: Bạn là ai? Cũng là lúc bạn ở một ngưỡng, một cấp độ khác rồi trong hành trình cuộc sống!
Kể cả trong đầu tư cũng vậy!
Trong đầu tư chứng khoán hay bất kỳ công việc nào khác, bạn bao giờ cũng cần có mục tiêu, chiến lược và công cụ. Chiến lược là con đường đi, để bạn đến cái đích mà bạn nhắm tới. Khi bạn chệch khỏi đường đi, bạn sẽ loanh quanh, lòng vòng có khi lại về chỗ cũ, không thể bứt ra được. Thậm chí có lúc đi tụt lùi (là lúc bạn bị thua lỗ). Bạn thấy chiến lược đầu tư chứng khoán quan trọng đến mức nào chưa?
Nội dung của chiến lược đầu tư chứng khoán là gì? Các loại chiến lược chủ chốt? Bạn nên chọn chiến lược nào.
Chiến lược đầu tư hay hệ thống giao dịch cũng có nghĩa gần giống nhau ở mức độ nào đó.
Vậy chiến lược đầu tư chứng khoán là gì?
Nó gồm các cách mà bạn lựa chọn cổ phiếu, cách bạn xác định điểm mua vào và bán ra, và cách bạn quản lý danh mục đầu tư. Ba nội dung chính này Khanh đã nói nhiều ở các bài viết trước đây.
Và điều quan trọng là cách này luôn được bạn duy trì thống nhất, đều đặn và không thay đổi trong dài hạn.
Có các loại chiến lược đầu tư cổ phiếu nào?
Bạn có thể quan sát thấy mấy chiến lược chính như sau:
1. Chiến lược đầu tư cổ phiếu tăng trưởng:
Nếu bạn theo phong cách này, bạn cực kỳ chú trọng khâu lựa chọn cổ phiếu. Một cổ phiếu có lịch sử tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận mạnh mẽ trong nhiều năm. Bạn kỳ vọng công ty này vẫn tiếp tục tăng trưởng trong dài hạn. Việc của bạn chỉ mua và giữ cho đến khi có các yếu tố làm thay đổi nguồn gốc tạo ra lợi nhuận. Điển hình là Peter Lynch với “Trên đỉnh phố Wall” và “Đánh bại phố Wall”; hoặc ông tổ của trường phái này Philip Fisher.
2. Chiến lược đầu tư cổ phiếu giá trị:
Đây là chiến lược bạn săn lùng những món hàng giá rẻ của những công ty cực tốt. Nói chuẩn hơn là mua hàng tốt nhưng ở mức giá hợp lý- đây là biến thể sau. Chiến lược này đòi hỏi bạn phải nắm giữ cổ phiếu trong thời gian dài hạn.
3. Chiến lược đầu tư cổ phiếu theo đà tăng trưởng:
Đây là chiến lược phổ phiến của những nhà đầu tư chuyên nghiệp : như Marminerviny, Wiliam O’neil (mặc dù ông không thừa nhận điều này). Họ chọn những công ty tốt, có yếu tố tạo tăng trưởng mạnh mẽ của lợi nhuận. Và thị trường có niềm tin rất lớn vào các công ty này.
4. Phong cách đầu tư kỹ thuật:
Chiến lược này gọi là giao dịch thì đúng hơn. Họ thường dùng phân tích kỹ thuật, phân tích các biểu đồ để đưa ra các quyết định mua bán. Họ không quan tâm đến các yếu tố cơ bản. Phong cách này khá đa dạng và có khá nhiều trường phái: như phân tích theo chỉ báo, hay phân tích hành vi giá…
Nó còn 1 số biến thể nữa dẫn đến có khoảng chục chiến lược hay phong cách đầu tư.
Giờ là lúc bạn hãy quay trở lại về chính mình. Điều này cực kỳ quan trọng.
Đây cũng mới là chiến lược quan trọng nhất.

Chiến lược đầu tư cổ phiếu thứ 5.
Bạn phù hợp với chiến lược đầu tư đầu tư cổ phiếu nào nhất?
Nếu công việc chính của bạn là kinh doanh, và bạn rất yêu công việc mình đang làm. Có vẻ như phong cách của bạn sẽ nghiêng về chiến lược đầu tư năng động. Bạn thích giao dịch nhiều hơn. Những giao dịch ngắn hạn T+ hoặc cùng lắm lệnh của bạn được giữ từ trong vài ngày đến 1-2 tuần.
Điều gì xảy ra nếu bạn lại được một người thích đầu tư dài hạn đưa ra những khuyến cáo. Đơn giản điểm mua bán của người đầu tư dài hạn và người giao dịch ngắn hạn cực kỳ khác nhau. Tại một thời điểm, vị thế giá nếu xét trong xu hướng dài hạn có thể là tăng, nhưng ngắn hạn hoặc trung hạn lại là giảm mạnh. Và điều này diễn ra là hết sức bình thường.
Điều gì xảy ra nếu bạn lại là người thận trọng, thích giữ cổ phiếu dài hơi hơn (Như thế này bạn thuộc số ít người rồi). Nhưng những người tư vấn, những người môi giới, thậm chí bạn của bạn liên tục khuyến nghị bạn mua và bán (Đơn giản là họ không biết bạn thuộc nhóm người kiểu này).
Rõ ràng có gì đó không ổn và không thể lý giải được nếu bạn hành động theo những lời khuyên nói trên.
Điều gì xảy ra nữa nếu bạn không hiểu lý do, những căn cứ để bạn thực hiện mua cổ phiếu này, và bán cổ phiếu khác. Ban thử tưởng tượng bạn bỏ tiền vào một thứ mà bạn không biết rõ ràng. Thì xác xuất cửa thắng của bạn là bao nhiêu.
Như vậy câu hỏi tưởng như đùa. Bạn phải biết bạn là ai? Và bạn sẽ phù hợp với phong cách nào, chiến lược nào cực kỳ quan trọng quyết định thành bại của bạn trong công cuộc đầu tư này? Thế mới gọi là chiến lược, chứ không phải là chiến thuật!
Khi bạn trả lời được câu hỏi này nghĩa là bạn sẽ nhìn thấy và xác định tìm kiếm được sự phù hợp nhất của 1 chiến lược nào đó phù hợp nhất với phong cách của bạn. Và ít nhất thì tâm lý của bạn trong trường hợp này là ổn định nhất, thoải mái nhất so với khi chả theo một chiến lược nào cả.
Nhưng cũng không đơn giản như vậy?
Sau đây là một số yếu tố mà bạn cần kiểm chứng xem mình đang ở mức nào. Hoặc bạn đã có sẵn hay phải rèn luyện thêm. Một số cái thuộc về tính cách của bạn sẽ cực khó để thay đổi.
- Tính kỷ luật
- Sự kiên nhẫn
- Khả năng chịu rủi ro
- Thời gian dành cho đầu tư và thời gian đầu tư
- Sự cam kết
- Sự yêu thích và nắm rõ về những con số
- Cảm xúc ổn định hay dễ thay đổi…
Tâm lý đầu tư sẽ cực kỳ khác so với tâm lý làm việc hoặc tâm lý làm kinh doanh. Bạn hãy cố gẵng suy ngẫm về điều này. Và bạn thử đoán xem Khanh thuộc phong cách nào hay dùng chiến lược nào trong đầu tư chứng khoán.
Bạn hãy tham gia vào nhóm Zalo để cập nhật những bài viết mới nhất nhé!