Bạn đã bao giờ rơi vào trạng thái mất thanh khoản (không có khả năng thanh toán) tạm thời chưa? Một câu hỏi tương tự với thanh khoản trong chứng khoán?
Thanh khoản là gì?
Thanh khoản hay còn dùng từ có nghĩa tương tự là “khả năng thanh toán” là khả năng chuyển đổi thành tiền của bất cứ thứ gì: hàng hóa, sản phẩm, tài sản.
Bạn càng có nhiều tiền mặt nghĩa là thanh khoản của bạn càng tốt.
Hãy kiểm nghiệm lại chính mình: bạn có đang trong một vòng xoáy chi tiêu, kiếm tiền, rồi lại chi tiêu.. rồi lại kiếm tiền. Một vòng xoáy cứ liên tục bất tận có khi cho đến lúc bạn về với đất mẹ???
Đầu tiên là bạn loay hoay để kiếm đủ tiền làm sao cho mình đủ sống.
Khi lập gia đình tiếp tục làm sao có tiền cho con cái đi học.
Số tiền bạn kiếm tăng dần lên. Bạn tiếp tục chi tiền cho nhiều thứ.
Bộ cánh khoác trên mình. Điện thoại xịn hơn. Xe đẹp.
Khi bạn còn tiền dự trữ càng nhiều nghĩa là thanh khoản của bạn càng ổn. Dự trữ là tiền còn lại sau khi kiếm được trừ đi chi tiêu.
Thanh khoản có liên quan gì đến nợ không?
Tiền kiếm nhiều hơn nhưng lại xuất hiện NỢ. Tình trạng tốt hơn thì bạn chưa thấy tiền tiết kiệm đâu?
Nợ tạm thời từ thẻ tín dụng. Khoản nợ này khá nguy hiểm khi số tiền dư nợ này tăng dần và gốc không trả hết. Lãi chậm trả cao ngang ngửa lãi vay trên thị trường “chợ đen”.
Đặc biệt là khoản vay tiền mua nhà. Quyết định vay bao nhiêu phù hợp mới mình là câu hỏi cần giải đáp kỹ lưỡng bởi đây là tài sản quá lớn trong đống tài sản mà bạn có.
Đây mới là khoản nợ lớn, nợ dài hạn. Bạn đã mua tương lai dài hạn của mình bằng khoản nợ dài hạn, chứ tích tiền bao giờ mới đủ?
Nợ như một gánh nặng. Làm cho bạn sợ hãi. Làm cho bạn ràng buộc đặc biệt là với công việc hiện tại của mình. Và khó duy trì tiền dự trữ. Bạn trở lên cực kỳ phụ thuộc, không có tự do.
Những thứ này như một thói quen tích tụ dần theo năm tháng mà bạn hiếm khi để ý.
Nhưng mọi thứ không bao giờ là mãi mãi.

Uỳnh một cái lãi suất khoản vay tăng lên. Kinh tế thì khó khăn. Thu nhập không tăng được nữa, bị giảm sút.
Có thể đó là lúc thu nhập bạn sụt giảm nghiêm trọng.
Có thể đó là lúc mâu thuẫn với sếp, không phù hợp với môi trường làm việc, bị chèn ép, bị đâm lén sau lưng… Điều tồi tệ nhất đã xảy ra và bạn phải đứng dậy dứt áo ra đi.
Vòng xoáy mới lặp lại, nhưng nguy hiểm hơn trước nhiều. Do những thay đổi đột ngột ngoài dự tính.
Điều này bạn dễ dàng liên tưởng đến tình trạng tiền hiện nay, lãi suất cao, sự ép buộc hoàn trả do sức ép từ thanh khoản. Cả cá nhân. Cả doanh nghiệp. Cả nhà đầu tư đều có những điểm tương đồng.
Vậy có liên quan gì đến thanh khoản trong chứng khoán?
Nếu bạn quan sát diễn biến về lãi suất gần đây tăng khá mạnh: tiền gửi dưới 6 tháng tăng từ 4% lên 6%/ năm.
Tiền gửi tiết kiệm trên 6 tháng lãi suất vượt 8%/năm ở một số ngân hàng cổ phần tư nhân lớn (trừ 4 ngân hàng lớn nhất có vốn chi phối của nhà nước).
Điều khác thường là trong nhiều năm trở lại đây lãi suất mới tăng đột ngột và nhanh như thế này. Điều này tạo nên những cú sốc lớn.
Đương nhiên là lãi cho vay ra sẽ lớn hơn nhiều, không chỉ là cộng thêm khoảng 3% vào lãi suất tiền gửi tiết kiệm.
Thị trường trái phiếu xuất hiện nhiều thông tin công ty phát hành mua lại trái phiếu trước hạn.
Đây là điểm nguy hiểm. Tương tự như bạn vay mua nhà thời hạn 10 năm. Giờ phải xoay tiền trả trước hạn. Vấn đề ở đây là có vẻ bắt buộc phải mua lại vì lý do nào đó (có thể là trước đây làm sai, giờ mua lại để xử lý cái sai của mình thì ổn hơn nhiều).
Tiền mà không có lại phải đi mua lại trái phiếu trước hạn (hoàn trả nợ trước hạn) thì đứt dòng tiền là điều dễ hiểu.
Bạn tưởng tượng một con nợ khi không có đủ tiền, buộc phải xoay từ những nguồn khác nhau trả nợ sẽ như thế nào.
Tiếp theo là diễn biến trên thị trường cổ phiếu.
Thanh khoản không tăng lên, nhưng dư nợ margin tăng lên (số tiền công ty chứng khoán cho vay ra).
Rồi việc nhiều mã cổ phiếu bị bán sàn hàng loạt kể cả các mã trong VN30 không ngoại lệ.
Các cá nhân, tổ chức bị giải chấp cổ phiếu. Mà toàn các VIP, tay to. Giờ là lúc bạn cần kiểm chứng những gì trước đây họ nói xem có đúng không? Để đánh giá mức độ trung thực, mức độ cam kết của họ trước đó.
À, giờ mới tòi ra việc tại sao lượng tiền công ty chứng khoán cho vay ra đã đi đâu. Nó không ở trong thị trường cổ phiếu mà chạy sang thị trường trái phiếu phục vụ cho việc trả nợ trước hạn.
Mà dòng tiền này là của những tay to.
Tay to mà phải xoay tiền thì cá nhân đỡ sao nổi.
Nhiều đồn đoán cho rằng các ông lớn bất động sản có vấn đề về phát hành trái phiếu, bị thanh kiểm tra.
Nhưng những đồn đoán thì bạn không thể kiểm chứng được cho đến khi nó trở thành hiện thực.
Lưu ý là hãy đánh giá những thông tin trên ở mức độ trọng yếu và trong trung hạn mới có ý nghĩa. Bạn hãy dựa trên thông tin chính thống.
Thông tin thì xuất hiện tràn lan, rất nhiều. Và việc của bạn lọc ra những thông tin quan trọng. Đó thuộc về khả năng của bạn.
Như vậy:
- âm ỉ xuất phát từ thị trường trái phiếu có vấn đề. Lại liên quan nhiều đến công ty bất động sản.
- Lãi suất tăng trên thị trường tiền tệ. Lượng cho vay khó có thể tăng dù ngân hàng nới room.
- Lãi vay tăng lại gây khó trở lại thị trường bất động sản.
- Thị trường cổ phiếu: vay margin tăng nhưng thanh khoản giảm (nghe rất vô lý nhưng con số thì lại biết nói).
Như vậy tình hình khó khăn kéo dài khoảng thời gian nữa (chứ không thể tính bằng ngày hay 1vài tuần).
Việc của bạn là tiếp tục chuẩn bị cho những khó khăn chưa thể kết thúc trong một sớm một chiều.
Vậy bạn biết kết cục của thanh khoản trong chứng khoán là gì rồi chứ? Cả thị trường cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ đều như vậy!
Nếu bạn biết về phân tích kỹ thuật và quan sát trên biểu đồ ngắn hạn, trung hạn thì thấy nhiều tín hiệu báo trước điều này mà chưa cần biết đến lý do thể hiện rõ ràng như bây giờ.
Vậy hành động của bạn là gì? Khanh thì vẫn ưu tiên phòng thủ trong thời gian tới. Để có cái nhìn tổng thể bạn hãy xem lại bài Chứng khoán luận kim tứ đồ
Ngày 18/11/2022
Bài viết trên Facebook