Đường MA trong chứng khoán là gì? Ứng dụng trong giao dịch và đầu tư thế nào? Bạn và Khanh bắt đầu nhé!
Một câu hỏi quan trọng là khi bạn chọn một cổ phiếu thì bạn có mua ngay không?
Thường là bạn thích là mua ngay. Vì thấy các chỉ số như lợi nhuận quá tốt hay thương hiệu công ty quá nổi tiếng (như VNM-Vinamilk chẳng hạn). Nhiều khi phải trả giá khá đắt, vì sau khi mua, cổ phiếu chỉ giảm và giảm.
Bạn chỉ nên mua đúng khi nó bắt đầu tăng hoặc đang tăng. Lúc đó nó đang ở xu hướng tăng. Vậy bạn căn cứ vào tín hiệu nào? MA là một chỉ báo cơ bản để bạn có thể bắt đầu.
Đường MA trong chứng khoán là gì?
MA được gọi là một chỉ báo của phân tích kỹ thuật (PTKT).
Trước đây tôi vốn dị ứng với PTKT. Mà điều này cũng dễ hiểu.
Khi bạn đọc được báo cáo tài chính, thì bạn thường nghĩ mình đã biết được hầu hết về phân tích cơ bản. Thực ra đó chỉ là một phần của phân tích cơ bản. Và nó càng không liên quan đến phân tích kỹ thuật.
Có hai trường phái phân tích: phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật.
Nếu bạn học một ông thầy nào đó, chỉ theo một trường phái thì bạn thấy có một điều lạ. Bạn thấy 2 ông, thì ông này nói xấu ông kia, chỉ trích nhau như mổ bò. Ông nào cũng là cho mình là nhất. Bạn nghe chả biết tin ai.
Sau này tìm hiểu và trải nghiệm nhiều, tôi thấy: Khi giao dịch hay đầu tư điều tối kỵ là cứ cho mình là nhất, là biết hết. Khi đó lý trí bạn dễ bị che mờ bởi định kiến cho rằng “mình luôn đúng”. Và cái tôi càng ngày càng lớn thì bạn càng dễ mắc sai lầm. Lý do đơn giản là thị trường bạn phải theo nó, dù bạn đưa ra nhận định đúng hay là sai.
Quay trở lại đoạn đầu: MA- đường trung bình di động là một chỉ báo, ít nhất nó trả lời cho bạn câu hỏi là thị trường đang ở hướng nào. Dựa trên một nguyên lý là trung bình.
MA dùng để xác định xu hướng của giá.
Bạn thấy thị trường đang diễn biến như thế nào, nhìn vào đâu. Chính là chỉ số Vnindex. Chỉ số này tăng nghĩa là toàn thị trường nhìn chung là tăng. Vnindex chính là trung bình của tất tật cổ phiếu trên sàn HOSE (Sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh) theo tỷ trọng tương ứng của từng mã khác nhau.
Còn MA hay SMA (Simple moving average) là trung bình cộng đơn giản các giá đóng cửa đến phiên giao dịch hiện tại (nên còn gọi là trung bình di động hay trung bình trượt).
Ví dụ: MA (10) ngày là bình quân giá đóng cửa của 10 ngày gần nhất, tính đến ngày hiện tại.
MA (10) ngày của Vnindex


Ứng dụng cơ bản nhất của đường MA trong chứng khoán
Một nguyên lý cơ bản nhất: là nguyên lý xu hướng. Giá cổ phiếu thường đi theo một xu hướng nhất định, chứ không ngẫu nhiên, loạn xạ.
Và khi quan sát giá so với đường trung bình, bạn sẽ thấy rõ xu hướng hơn.
Thường giá nằm trên đường trung bình thì cổ phiếu đang ở xu hướng tăng.
Giá nằm dưới thì ở xu hướng giảm.
Rõ ràng đường trung bình MA làm mượt và dễ nhìn xu hướng hơn so với chỉ nhìn vào các cây nến thể hiện chính là giá.
Như vậy, trả lời được câu hỏi cổ phiếu đang ở xu hướng nào là cực kỳ quan trọng. Ít nhất MA cho bạn một góc nhìn xem cổ phiếu có ở đang một xu hướng tăng hay không. Hay nó đang giảm. Liệu khi nó vẫn đang có vẻ giảm tiếp thì bạn có mua không?
Bạn chỉ có thể dùng đường MA thành thạo bằng cách thực hành
Lúc đầu bạn quan sát biểu đồ sẽ thấy nó khá phức tạp và rắc rối. Nhưng nó là một kỹ năng, không phải ngày một ngày hai bạn có thể thành thục được. Mỗi ngày ngắm một chút bạn sẽ thấy nó dễ như bác sĩ nhìn vào các bức ảnh siêu âm. Có thể bạn tư duy một chút về chính phép tính trung bình. Vì MA là đường trung bình trượt theo giá của phiên gần nhất, nên khí giá đang trên đà tăng thì nó cao hơn trung bình giá của các phiên trước đó, thì nó cao hơn đường trung bình là đúng rồi. Và ngược lại khi giá giảm.
Khi đường MA chạy ngang ngang thì sao? Có phải thị trường đang chạy ngang, không tăng, không giảm. Vì giá nó ngàng ngang nhau, phiên sau ngang phiên trước nên cộng trung bình lại nó chả đi ngang thì sao nữa…
Tìm hiểu kỹ và ngọn ngành đường MA bạn sẽ thấy có nhiều biến thể đường MA khác. Chính các đường này sau này là 1 thành phần của những chỉ báo phức tạp hơn. Hiểu được bản chất và ứng dụng của nó bạn sẽ hiểu các chỉ báo khác sâu sắc hơn.
Có mấy câu hỏi quan trọng như sau:
+ Kỳ của MA bạn lấy là số nào: 10, 20, hay 50 thì phù hợp?
+ Tại sao tính MA lại dùng giá đóng cửa?
+ Bạn chọn biểu đồ ngày hay tuần hay tháng…
+ Có phải dùng MA lúc nào cũng đúng: cứ thấy giá (nến đóng cửa) trên đường MA là đang ở xu thế tăng? Xác suất ở đây là bao nhiêu?
+ Chỉ báo MA có khách quan không so với các công cụ/ phương pháp PTKT khác? + Đường MA có thể xác định điểm mua và bán không? Nhanh hay chậm???
Xem thêm: chuỗi bài về phân tích kỹ thuật
Có bất cứ ý kiến gì bạn hãy để lại bình luận hoặc trao đổi với Khanh qua Facebook nhé