Cách sử dụng đường MA trong chứng khoán chi tiết nhất

Cách sử dụng đường MA trong chứng khoán chi tiết nhất

Bạn đã từng biết đến đường MA trong chứng khoán chưa? Tiếp đó là cách sử dụng đường MA thế nào cho hiệu quả. Nếu bạn chưa biết thì bạn chưa thể dấn thân vào một phương pháp phân tích chứng khoán: phân tích kỹ thuật. Đây là bài viết hướng dẫn chi tiết nhất dành cho bạn!

Đường MA trong chứng khoán là gì? Cách tính đường MA

Đường MA là gì?

MA là viết tắt của từ tiếng Anh: Moving Average. Dịch nghĩa là: trung bình di động. Nhưng bản thân nó là một đường kẻ vẽ trên biểu đồ nến.

Nên đường MA có tên gọi là đường trung bình động, hay đường trung bình trượt.

Sau đây là hình thể hiện đường MA của chỉ số Vnindex.

cach-su-dung-duong-ma-trong-chung-khoan
Đường MA chỉ số VN index: đường màu xanh

Cách tính đường MA

Bạn cùng Khanh xem công thức sau đây trong chứng khoán:

SMA = (P1+P2+P3+…+Pn)/n

Pn là mức giá đóng cửa của phiên giao dịch thứ n

n là số phiên để bạn tính ra giá trị trung bình của SMA. 

Hay còn gọi là thông số thời gian tính toán; khoảng thời gian tính toán, chu kỳ thời gian. Tùy 1 trong 3 cách bạn chọn.

MA (10) là gì?

MA (10) được tính bằng trung bình giá đóng cửa của 10 phiên gần nhất.

  • Có thể bạn đặt câu hỏi tại sao là giá đóng cửa? Giá mở cửa hay giá cao nhất, giá thấp nhất hoặc một giá trị nào đó.
duong-ma-trong-chung-khoan-dua-tren-gia-dong-cua
Chọn thông số giá đóng cửa để vẽ đường MA

Hiện tại Khanh dùng giá đóng cửa để tính và vẽ đường MA. Có lẽ lý do hợp lý để giải thích cho việc này là: cuối ngày từ 14h30 đến 14h45 là phiên định kỳ chốt giá đóng cửa trong ngày sẽ là giá phản ánh hợp lý nhất tất tật diễn biến tâm lý của cả một ngày. Một ngưỡng tâm lý ổn định nhất!

Bạn có thể cho rằng phiên ATC sẽ bị làm giá. Điều này hoàn toàn có thể và cũng tốn không ít giấy mực của báo giới. Nhưng có lẽ chúng ta cũng nên đơn giản hóa vấn đề đi.

Như vậy tính giá trị MA (10) của ngày hôm nay, bạn sẽ đợi đến cuối ngày lấy giá đóng cửa. Sau đó lấy giá đóng cửa của từng ngày của 9 ngày trước đó. Cộng lại và chia cho 10.

Giá trị này còn gọi là SMA: simple moving average: trung bình cộng giản đơn.

MA (20) là gì?

MA (20) được tính bằng trung bình giá đóng cửa của 20 phiên gần nhất.

MA (50) là gì?

MA (50) được tính bằng trung bình giá đóng cửa của 50 phiên gần nhất.

Trong giao dịch ngắn hạn chứng khoán thì 3 đường MA nói trên, tính theo ngày giao dịch là rất quan trọng và được dùng thường xuyên. Có thể dùng thêm MA (5) nữa.

Chúng được quan sát trên biểu đồ ngày, thể hiện bằng 3 đường khác nhau.

Bây giờ bạn cùng Khanh tiếp tục xem cách vẽ nhé!

Vậy cách vẽ đường MA trong biểu đồ chứng khoán như thế nào?

Bạn lấy giá trị trung bình MA của 10 ngày nói trên xác định thành 1 điểm trên biểu đồ.

Tương tự sẽ xác định được các điểm của từng ngày trước đó.

Sau đó bạn nối các điểm này lại. Bạn sẽ được một đường như sau.

cach-ve-duong-ma-trong-bieu-do-chung-khoan
Cách vẽ đường MA trong biểu đồ chứng khoán

Và máy tính sẽ tự động vẽ cho bạn.

Cách xem đường MA trong chứng khoán

  • Sau khi vẽ tự động bằng các phần mềm như Fireant hay tradingview bạn quan sát đường MA bước đầu đơn giản nhất là so sánh vị trí của giá (cây nến) xem nó nằm trên, dưới hay nằm ngang đường MA để đưa ra nhận xét.
  • Tiếp tục, bạn hãy quan sát điểm giao cắt giữa đường giá và đường MA.
  • Tiếp nữa: nếu bạn dùng nhiều đường MA trên biểu đồ cùng một lúc. Hãy xem chiều hướng của chúng cũng như sự giao cắt giữa chúng.

Tiếp theo, bạn và Khanh xem xét:

Cách sử dụng đường MA thế nào cho hiệu quả.

Đầu tiên bạn cần hiểu ý nghĩa đường MA là gì đã?

Hãy quan sát đường MA nói trên. Xuất hiện con số 10 ngày. Mặc định phần mềm sẽ chọ con số là 9. Tại sao bạn không chọn con số 5 hay 20 hay 50 hay 100 để tính.

Nếu bạn chọn con số 10 bạn thấy biểu đồ mượt hơn. Còn chọn 50 thấy đường MA mượt hơn nữa so với các đường giá- chính là các cây nến đang chạy trên biểu đồ.

cach-su-dung-duong-ma
Cách sử dụng đường MA

Rõ ràng đường MA 10 chạy sát  đường giá hơn MA50

 Như vậy ý nghĩa của đường MA là gì?

Bạn dùng chỉ báo MA  sẽ dễ đoán về mặt xu hướng xem giá đang chạy lên hay đang chạy xuống. Nếu bạn chỉ nhìn vào các cây nến thấy khá rối. Giờ bạn có thêm các đường kẻ nữa- các đường MA để tham chiếu.

Nhìn vào biểu đồ trên bạn thấy có vẻ trong ngắn hạn đã hình thành xong và giá bắt đầu tăng trở lại.

Giá có tăng mạnh không thì hiện tại chưa thể nói được. Ít nhất là đã hình thành một xu hướng ngắn hạn đi ngang hoặc có thể sẽ tăng tiếp.

Ưu và nhược điểm của đường MA

Như chúng ta bàn về đường SMA ở trên: n là khoảng thời gian để tính toán ra giá trị trung bình. Giá trị của n càng lớn thì đường MA sẽ mượt hơn.

N càng nhỏ thì đường MA biến đổi nhiều hơn.

N = 1 chính là đường giá, thể hiện bởi các cây nến.

Như vậy, bản thân ý nghĩa của giá trị trung bình là làm giảm bớt đi như dao động của giá, bằng cách lấy giá trung bình. Ưu điểm của đường MA là loại bớt sự nhiễu loạn về giá , bạn nhìn vào đó thấy đường kẻ mượt hơn so với các cây nến. Từ đó, dễ đoán ra xu hướng hơn.

Nhược  điểm là nó là một chỉ báo chậm hay là có độ trễ: chậm hơn so với đường giá. Nên khó có thể lấy đường MA để vào hay ra lệnh. Nhưng ít nhất nó cho bạn biết giá đang đi đâu (tăng hay giảm, thậm chí đi ngang).

Ưu điểm tiếp theo: là bạn có thể coi đường MA như là ngưỡng hỗ trợ hay kháng cự động.

Xem thêm bài về hỗ trợ kháng cự

Nhược điểm tiếp theo là bạn khó có thể chọn kỳ để tính toán MA nếu bạn là người mới. Về mặt lý thuyết thì bạn có thể chọn n là một số bất kỳ miễn là bạn cảm thấy phù hợp.

Gợi ý về việc chọn khoảng thời gian tính toán (n) để tính MA:

Thật ra con số này thể hiện chu kỳ tâm lý của nhà đầu tư. VD: MA 10 ngày chính là bạn lấy giá trị của 10 ngày giao dịch liền trước đó để tính toán. Con số 10 ngày này tương đương 2 tuần (mỗi tuần tương ứng với 5 ngày giao dịch của thị trường chứng khoán). MA 10 có thể là chỉ báo tốt để quan sát xu hướng ngắn hạn.

Nếu bạn dùng MA (5 ngày) nghĩa là bạn đang quan sát giá trung bình của cả 1 tuần đó. Tuy nhiên, dùng MA càng ngắn sẽ càng bị nhiễu, khó nhận định được xu hướng.

Tiếp theo nữa: là các tổ chức rất hay dùng thông số 10 của MA để quan sát. Có thể bạn nên theo giá trị này khá ổn.

Tiếp theo hãy quan sát con số 50.

MA50 ngày ý nghĩa thế nào?

MA50 ngày tương ứng với MA10 của tuần. Nếu bạn dùng biểu đồ tuần thì sẽ dễ dàng hơn quan sát xu hướng trung hạn.

Tương tự như vậy bạn có thể dùng MA100 hay 150 hay 200 trên biểu đồ ngày để quan sát xu hướng dài hạn.

Nhược điểm nữa là gì? Nếu trong một thị trường không rõ xu hướng thì MA đi ngang. Nếu thị trường side way với biên độ không lớn thì đường MA và các nến ngang nhau. Việc sử dụng đường MA để tham chiếu vào ra lệnh không hiệu quả.

Giờ chúng ta tiếp tục xem xét các loại đường MA khác.

Các đường MA được phân thành các loại khác nhau:

Ngoài SMA nói trên còn có 2 đường MA khác.

Đường EMA (Exponential Moving Average): đường trung bình trượt lũy thừa

Đường EMA hướng sự tập trung vào những biến động của giá tại phiên gần nhất.

So với đường SMA thì đường EMA sẽ càng gần với nến hơn. Hãy cùng xem công thức tính.

EMA = Pn * k + EMA(n-1) * (1-k)

Trong đó:

Pn là giá đóng cửa tại phiên giao dịch thứ n

n là khoảng thời gian tính giá trị trung bình

k là hệ số được xác định bởi công thức: k = 2/(n+1).

Đường WMA (Weighted Moving Average): đường trung bình trượt có trọng số 

Đây là loại đường trung bình có công thức tính phức tạp. Đường WMA tập trung vào những biến động về giá tại thời điểm gần nhất. Trọng số lớn nhất cho mức giá đóng cửa thời điểm gần nhất, các trọng số khác có giá trị giảm dần. 

WMA = [Pn*n + Pn-1*(n-1) + Pn-2*(n-2) + … + P1*1]/D

Trong đó: D = 1+2+3+…+ (n-1) + n = [n*(n+1)]/2.

Ưu điểm của 2 đường này là gì: nó bám sát diễn biến của giá. Nhưng nhược điểm lại là dễ bị nhiễu hơn so với SMA.

Kinh nghiệm của Khanh:

Về mặt dài hạn hay trung hạn thì EMA và WMA không có ý nghĩa nhiều lắm. Vì trọng số tập trung vào giá gần nhất nên 2 đường này có giá trị hơn trong giao dịch ngắn hạn. Bạn có thể dùng nó khi kết hợp sự giao cắt giữa 2 đường MA để xác định điểm mua hay bán một cổ phiếu nào đó.

Cách sử dụng đường MA hiệu quả bằng phương pháp 2 đường MA:

phuong-phap-2-duong-ma
Phương pháp 2 đường MA

Ví dụ bạn dùng 2 đường MA 10 và MA 20 biểu đồ ngày với chỉ số Vnindex.

Đường MA10 lúc này là đường nhanh và đường MA20 là đường chậm.

Khi đường nhanh cắt đường chậm sẽ là 1 tín hiệu cho điểm mua hoặc bán. MA 10 cắt xuống cho điểm bán. Và MA10 cắt lên sẽ cho điểm mua.

Nếu bạn quan sát vẫn thấy có độ trễ nhất định. Lúc này bạn có thể chọn đường nhanh MA10 thay bằng EMA 10 hoặc WMA 10 ngày sẽ cho bạn tín hiệu sớm hơn.

Đường MA dài hơn bạn vẫn dùng SMA thay cho EMA hay WMA.

Tiếp theo bạn xem phương pháp  3 đường MA áp dụng như thế nào?

phuong-phap-3-duong-ma
phương pháp 3 đường ma

Giờ bạn hãy thêm đường MA50 nữa. Có vẻ rất khó nhìn.

Có thêm nhiều câu hỏi?

Bây giờ có những 3 đường cắt nhau nên chọn điểm giao cắt nào giữa các đường MA?

Có cần lưu ý điểm cắt giữa đường giá và MA không? Chọn điểm cắt với đường MA nào?…

Tuy nhiên ở đây tối ưu nhất là bạn hãy xem độ dốc của MA50. Có vẻ đang bắt đầu củng cố cho một xu hướng trung hạn ít nhất là side way hoặc sẽ tăng. Và quan tâm đến điểm giao cắt của các đường MA ngắn hơn.

Phương pháp kết hợp đường MA với phân tích đa khung thời gian

Thường bạn nên kết hợp thêm đường MA với một kỹ thuật khác trong phân tích kỹ thuật.

Ví dụ: bạn chỉ cần sử dụng duy nhất một đường MA10 để quan sát.

Bạn nhìn thẳng vào những cây nến và xem xét những điểm giao cắt của nó với đường MA.

Trước đó bạn hãy quan sát ở những khung thời gian lớn để xem xu hướng của thị trường như thế nào. Bạn có một cái view toàn cảnh.

Xem thêm bài: phân tích đa khung thời gian.

Cách sử dụng đường MA kết hợp với các chỉ báo khác:

Bạn có thể kết hợp với các ngưỡng hỗ trợ kháng cự khi vẽ thủ công bằng các đường kẻ.

Thường bạn xác định các vùng hỗ trợ bằng các đường ngang. Hay còn gọi là những ngưỡng hỗ trợ và kháng cự cứng. Tuy nhiên nếu bạn đã dùng đường MA rồi thì chỉ cần kẻ thêm các đường hỗ trwoj, kháng cự dài hạn nằm ngang. Nếu kẻ quá nhiều các đường ngang hỗ trợ kháng cự ngắn hạn sẽ khó nhìn.

Bạn có thể chú ý đến các ngưỡng Fibonaci khi giao dịch ở những vùng có xác suất đảo chiều hoặc tiếp tục xu hướng. Thường bạn để ý vào các ngưỡng Fibonaci thoái lui, có khả năng cao đó là những vùng hỗ trợ hoặc kháng cự.

Bạn có thể kết hợp với chỉ báo dao động RSI nếu thực hiện trading ngắn hạn.

Mỗi cách kết hợp này có thể viết thành một bài chi tiết và cần thực hành cụ thể.

Cá nhân Khanh dùng cách nào:

Bạn có thể coi những vùng nhạy cảm khi kết hợp với các cách trên. Nhưng cách Khanh hay dùng là kết hợp với chỉ báo MACD. Nhiều khi chỉ cần dùng 1 đường MA để dễ dàng quan sát hơn.

Trên một biểu đồ nếu bạn lạm dụng quá nhiều chỉ báo sẽ dễ rối loạn. Lúc đó lại có tác dụng ngược.

Bạn có thể biết rất nhiều về chỉ báo nhưng nên sử dụng tối đa 2 chỉ báo có tính chất khác nhau trên cùng 1 biểu đồ.

Nếu bạn muốn dùng nhiều chỉ báo hơn nên bật màn hình máy tính ở một cửa sổ khác. Hoặc dùng hẳn một máy tính khác để quan sát!

Các lưu ý trong cách sử dụng đường MA

  • Đây là một chỉ báo chậm nên bạn cần cân nhắc kỹ khi dùng nó để xác định điểm mua và bán. Hãy bám vào các cây nến.
  • Có quá nhiều sự lựa chọn khi chọn thông số n: khoảng thời gian để tính nên khó khăn cho người sử dụng.
  • Sử dụng đường MA cực kỳ cẩn thận khi xác định điểm vào hoặc ra trong một thị trường không rõ xu hướng
  • Không nên dùng quá 3 đường MA trên cùng một biểu đồ. Dễ gây cho bạn rối loạn không cần thiết.
  • Nên dùng các thông số n (khoảng thời gian hay số phiên để tính MA) dài cho những xu hướng dài và ngược lại.
  • Độ dốc của các đường MA trung và dài hạn có ý nghĩa quan trọng trong xác định xu hướng.

Tổng kết:

Trên đây Khanh đã chia sẻ với bạn đường MA là gì? Các loại đường MA? Cách tính và cách vẽ.

Đặc biệt là một số ứng dụng khá hữu ích khi dùng đường MA trong phân tích chứng khoán. Nếu có bất cứ ý kiến cần trao đổi bạn có thể để lại bình luận dưới bài viết hoặc liên hệ với Khanh qua Facebook nhé!

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tặng ebook sắp ra mắt
hướng dẫn đầu tư chứng khoán

Cẩm nang đầu tư chứng khoán cơ bản cho bạn

Cảm ơn bạn đã đăng ký

Kiểm tra lại

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x