Chính sách tài khóa là một chính sách kinh tế vĩ mô. Đây là một công cụ mà nhà nước dùng để can thệp vào thị trường nhằm vào những mục tiêu khác nhau. Bạn cùng Khanh xem nó có ảnh hưởng như thế nào đến chứng khoán khi ta hành xử với tư cách của một nhà đầu tư cá nhân nhé!
Bạn nghe đến nhiều thứ trên ti vi, báo mạng, trên các kênh truyền thông thậm chí ở các diễn đàn. Như gần đây, suốt năm 2020 đến 2023 này, họ hay dùng từ “đầu tư công”. Thật thú vị là “đầu tư công” chính là một phần rất, rất quan trọng của chính sách tài khóa.
Tài khóa là gì?
Tài khóa là chu kỳ trong thời gian 12 tháng, có hiệu lực cho báo cáo dự toán và quyết toán hàng năm của ngân sách nhà nước cũng như của các doanh nghiệp. Tài khóa thường được sử dụng tương đương hoặc thay thế cho từ “năm quyết toán thuế” hoặc “năm tài chính”.
Nguồn: thư viện pháp luật.vn
Vậy chính sách tài khóa là gì?
Xuất phát từ tiếng Anh: fiscal policy.
Fiscal policy là gì?
Nhiều khi bạn thấy dịch sang tiếng Việt nghe có vẻ lạ lạ với cái tên “chính sách tài khóa”. Thuật ngữ này được đề xuất bởi Keyness những năm 30 thế kỷ trước với hàm ý là có thể dùng chính sách của nhà nước để can thiệp vào thị trường. Nếu sa đà vào môn kinh tế vĩ mô thì bạn thấy khá phức tạp, thậm chí khó hiểu nữa. Học thuật vốn dĩ vẫn thế mà!
Bạn có thể hiểu và suy luận đơn giản như sau: tài chính của nhà nước do ai nắm giữ? Chắc là Kho bạc nhà nước rồi. Kho bạc cũng chỉ là két giữ tiền. Còn ông trực tiếp đưa ra chính sách chi tiêu của nhà nước lại là Bộ tài chính thuộc chính phủ. Vậy Kho bạc chỉ là két giữ tiền của chính phủ.
Đương nhiên kho bạc sẽ quản lý tiền vào và tiền ra của chính phủ.
Chính phủ ngoài việc tạo ra những chính sách thực hiện theo luật bằng các Nghị định và Nghị quyết thì còn dùng những công cụ kinh tế để can thiệp vào thị trường. Như vậy có cả 2 biện pháp: biện pháp hành chính- pháp luật và biện pháp kinh tế.
Như vậy, chính sách tài khóa là chính phủ bằng việc tạo ra những chính sách để tác động đến nguồn thu và chi của chính mình tác động vào nền kinh tế theo những mục tiêu khác nhau: thường là hỗ trợ thúc đấy kinh tế phát triển và chống lại suy thoái.

Tác động của chính sách tài khóa?
Bàn về chính sách tài khóa thì phải bàn đến tổng cầu của nền kinh tế.
Tổng cầu và chính sách tài khóa quan hệ với nhau thế nào?
Hay dễ hiểu hơn là tác động vào GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của một quốc gia.
Giờ bạn hãy xem các yếu tố của tổng cầu
Các yếu tố cấu thành tổng cầu bao gồm:
- Tiêu dùng (C)
- Đầu tư tư nhân (I)
- Chi tiêu của Chính phủ về mua sắm hàng hóa dịch vụ (G)
- Xuất khẩu ròng (NX)
AD = C + I + G + NX
Như vậy ở mục G chính là chi tiêu chính phủ. Một chính sách tăng cưởng chi tiêu hay hạn chế chi tiêu của chính phủ sẽ góp phần tác động đến tổng cầu, ảnh hưởng đến GDP của một quốc gia.
Mục tiêu của chính sách tài khóa?
Mục đích chính của chính sách này là tác động vào chu kỳ kinh tế.
Bạn biết về cổ phiếu, biết về ngành. Nhiều đặc tính trong chúng có tính chu kỳ. Còn nền kinh tế thì càng rõ hơn nữa.
Nền kinh tế nếu để phát triển tự do đúng kiểu kinh tế thị trường bạn sẽ thấy các giai đoạn y hệt như cổ phiếu.
Xem thêm bài: chu kỳ cổ phiếu
Có giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ. Có giai đoạn suy giảm. Bạn hay nghe nói chu kỳ kinh tế 10 năm sẽ có 1 lần. Có thể có khủng hoảng lớn xảy ra. Còn nhẹ thì suy thoái.
Quay trở về năm 1997-1998 xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ từ Thái Lan và các thị trường mới nổi rồi lan ra toàn câu. Lúc đó Khanh còn đang đi học nên không cảm nhận rõ rệt gì mấy!
Năm 2008-2009 xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sự đổ vỡ của Lemonth Brother- một ngân hàng đầu tư top 4 của Mỹ đã châm bùng ngòi nổ. Cuộc khủng hoảng này được so sánh như đại khủng khoảng những năm 1929-1933 thế kỷ trước. Cảm nhận rõ nhất của tôi chắc đây là trải nghiệm hiếm có trong cuộc đời của mình. Quá khốc liệt!
Chà, đến năm 2020 Covit định hình một cuộc khủng hoảng nữa. Như bạn có thể cảm nhận được những thứ đã xảy ra trong 3 năm vừa qua.
Có vẻ như con số 10 năm để xảy ra một khủng hoảng/ suy thoái, là một khoảng thời gian hợp lý cho một chu kỳ kinh tế.
Mục đích của chính sách tài khóa là nhắm vào chu kỳ này. Thường để tránh suy giảm hay khủng hoảng kinh tế thay vì sẽ để lại hậu quả nặng nề nếu cứ để xảy ra một cách tự nhiên. Chính phủ sẽ tác động vào chu kỳ suy thoái này với hàm ý là làm cho nó đỡ sốc hơn. Mục đích sâu xa hơn là ổn định kinh tế, tránh những hậu quả sốc về mặt xã hội như thất nghiệp tràn lan hay suy thoái nghiêm trọng, mất nhiều năm mới có thể phục hồi.
Còn ngược lại, trường hợp kinh tế quá nóng hay lạm phát tăng quá nhanh, nhà nước cũng cần phải can thiệp hãm bớt lại bằng chính sách tài khóa.
Công cụ của chính sách tài khóa là gì?
Công cụ thuế:
Bạn có thể thấy. Nếu giảm thuế thì sẽ có nhiều tác động.
Thuế thì có nhiều dạng: thuế trực thu như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài sản đánh trực tiếp vào người có thu nhập và tài sản.
Còn loại thuế gián thu điển hình như thuế GTGT (giá trị gia tăng).
Giảm thuế về mặt lô gic, sẽ kích thích tiêu dùng tư nhân (của các hộ gia đình và cá nhân) hơn. Góp phần tăng tổng cầu. Chính là biến số C ở trên. C =consumption: nghĩa là tiêu dùng tăng sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Công cụ chi tiêu chính phủ:
Chi tiêu chính phủ giúp tăng tổng cầu. Có chi thường xuyên và chi đầu tư.
Thường thì bạn hay nghe nói đến đầu tư công hơn.
Chi tiêu chính phủ giúp tăng tổng cầu, Nếu kinh tế đang suy giảm thì bằng công cụ này, chính phủ lấy tiền từ ngân sách chi ra, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có doanh thu, từ đó tạo thêm việc làm cho người lao động trong những ngành, lĩnh vực mà chính phủ nhắm đến.
Để dễ hiểu hơn bạn xem thực trạng chính sách tài khóa ở Việt Nam hiện nay và gần đây là gì?
Bạn thấy chính sách giảm thuế GTGT 2% cho phần lớn các loại hàng hóa dịch vụ có thuế suất 10% trong năm 2022. Mục đích là giảm giá bán đến người tiêu dùng cuối cùng nhằm hỗ trợ cầu đã suy giảm, làm tăng cầu tiêu dùng lên. Từ đó nhằm giảm bớt những thiệt hại từ dịch Covit gây ra.
Bạn thấy một mục lớn nữa là đầu tư công: chính phủ sẽ chi đến 176 ngàn tỷ để đầu tư cho hạ tầng.
Còn nhiều hạng mục nữa trong đầu tư công. Như chi xây dựng nhà ở xã hội.
Các khoản chi khác: như hỗ trợ lãi suất, tài trợ tiền thuê nhà cho người lao động…
Cả 2 chính sách này đều nhằm hỗ trợ để giảm thiệt hại khi suy giảm kinh tế do đại dịch Covit gây ra.
Các loại chính sách tài khóa nào?
Có vẻ tên gọi phân loại cũng gần giống với chính sách tiền tệ.
Gồm chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tài khóa thắt chặt
Chính sách tài khóa mở rộng là gì
- Chính sách tài khóa mở rộng (Expansionary Fiscal Policy) là chính sách mà chính phủ sử dụng để tăng chi tiêu hoặc giảm thuế để kích thích hoạt động kinh tế và tăng trưởng. Đặc biệt là trong giai đoạn đi xuống của chu kỳ kinh tế.
- Mục tiêu của chính sách này là tăng chi tiêu tiêu dùng và đầu tư để đẩy mạnh sản xuất, tăng việc làm và thu hút đầu tư.
- Chính sách tài khóa mở rộng có thể được triển khai bằng nhiều cách khác nhau. Có thể là tăng chi tiêu chính phủ, tăng đầu tư công, giảm thuế thu nhập cá nhân hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng chi tiêu chính phủ cho các chương trình xã hội và y tế, hay thậm chí cung cấp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp (như hỗ trợ lãi suất những năm 2008-2009 của khủng hoảng kinh tế).
Đây chính là nội dung Khanh đã nêu ở phần trên “chính sách tài khóa gần đây và hiện nay”.
Hạn chế lớn nhất của chính sách tài khóa mở rộng là gì?
- Tăng chi tiêu chính phù đồng nghĩa với vay nợ lớn. Nợ công tăng lên. Giai đoạn suy thoái kết hợp công cụ giảm thuế làm cho nợ kích hoạt. Nợ lại từ phát hành mới trái phiếu chính phủ.
- Ảnh hưởng đến thị trường lãi suất. Lãi suất trái phiếu chính phủ có thể tăng, tác động sang lãi suất của khu vực ngân hàng. Ảnh hưởng từ lãi suất thị trường trái phiếu chính phủ sang thị trường tiền tệ. Trong khi chính sách tiền tệ giai đoạn này lại phải nhắm tới việc giảm lãi suất bằng tăng cung tiền. Có vẻ mâu thuẫn!
- Nợ công tăng trước mắt chưa có tác động, nhưng sẽ ảnh hưởng đến giai đoạn sau này. Rủi ro, bao gồm cả nguy cơ tăng lạm phát, cũng như khả năng ảnh hưởng đến ổn định tài chính của quốc gia.
Chính sách tài khóa thắt chặt:
Chính sách tài khóa thắt chặt (Contractionary Fiscal Policy) là chính sách mà chính phủ sử dụng để giảm chi tiêu hoặc tăng thuế để kiềm chế lạm phát và kiểm soát tình trạng tăng trưởng quá nóng.
Mục đích của chính sách này là giảm áp lực lạm phát bằng cách giảm chi tiêu và tăng thu ngân sách của chính phủ.
Chính sách tài khóa thắt chặt có thể được triển khai bằng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như giảm chi tiêu đầu tư công, tăng thuế, cắt giảm ngân sách của chính phủ hoặc ngừng thực hiện các chính sách hỗ trợ tài chính.
Hạn chế của chính sách tài khóa thắt chặt (hay chính sách tài khóa thu hẹp):
Nó có hạn chế như làm giảm nhu cầu tiêu dùng và đầu tư, ảnh hưởng đến tăng trưởng và việc làm.
Chính sách này thường được dùng để can thiệp khi kinh tế tăng trưởng quá nóng, hoặc khi nguy cơ lạm phát cao.
Trường hợp nợ công lớn có nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng vỡ nợ quốc gia sẽ buộc phải dùng chính sách này. Nếu để ý bạn hãy quan sát lại cuộc khủng hoảng nợ công của các nước EU ngay sau khủng hoảng tài chính 2008-2009 đã xảy ra chỉ vài năm sau.
Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ mâu thuẫn hay hỗ trợ nhau?
Bạn thấy chính phủ đã hành động rất tốt bằng cách sử dụng kết hợp cả 2: chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ giai đoạn 2020-2022. Mức cung tiền tăng, thậm chí được coi là dễ dãi và duy trì được lãi suất thấp bởi chính sách tiền tệ.
Xem thêm về: chính sách tiền tệ
Chính sách tài khóa thực hiện với nhiều nội dung nhưng với chủ trương thực hiện triển khai mạnh đầu tư công cũng hỗ trợ rất nhiều cho giảm suy thoái trong giai đoạn nói trên.
Bây giờ chúng ta đi vào cái quan trọng nhất của mình.
Chính sách tài khóa tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán
Đầu tiên, bạn cùng Khanh quan sát lại các điểm sau của chính sách tài khóa mở rộng:
Chính sách này thể hiện bằng việc tăng cường quy mô đầu tư công lớn nhất gần 200 ngàn tỷ.
Chính sách tài khóa của chính phủ có thể tác động đến thị trường chứng khoán thông qua các yếu tố như tăng chi tiêu công, giảm thuế, tăng đầu tư công, hay chính sách khuyến khích đầu tư của các ngân hàng và tổ chức tài chính.
Nhận xét của Khanh như sau:
- Bạn thấy đấy: ít nhất là các công ty thuộc nhóm đầu tư công hưởng lợi, từ đó lan sang các công ty thuộc ngành xây dựng, thép, cầu đường… và giải quyết thêm việc làm cho người lao động.
- Như vậy, bạn có thể dùng phân tích cơ bản này để xác định nhóm ngành hưởng lợi từ chính sách tài khóa. Từ đó tiếp tục chọn ra các cổ phiếu trong nhóm ngành này.
Tuy nhiên, tác động của chính sách tài khóa lên thị trường chứng khoán không phải luôn tích cực. Nếu chính sách tài khóa gây ra tình trạng lạm phát hoặc tăng nợ công, đây sẽ làm giảm giá trị tiền tệ và tăng chi phí vay, gây ra tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán.
Đó là cái bạn bắt đầu thấy ở cuối năm 2022 và sang đầu năm 2023. Do đó, chính sách tài khóa cần được thiết kế và triển khai một cách cẩn thận để tác động tích cực đến thị trường chứng khoán và đồng thời tránh tác động tiêu cực đến nền kinh tế và thị trường tài chính.
Nguồn tham khảo: Wikipeadia
Người viết: Vũ Hồng Khanh